THÔNG BÁO
 
Điểm học tập, rèn luyện, học cải thiện các lớp Khoa Hạ tầng kỹ thuật - Công nghệ

GIẢI BÓNG ĐÁ KẾT NỐI NGÀNH CẦU ĐƯỜNG TỈNH PHÚ YÊN

Đọc thêm
WEBLINK
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
KHOA CẦU ĐƯỜNG - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN [4/11/]
 KHOA CẦU ĐƯỜNG - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Ths. Đinh Văn Vinh
Trưởng khoa Cầu đường
Tập thể cán bộ, giảng viên khoa Cầu đường với lãnh đạo Nhà trường
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng, phục vụ cho công việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Ngày 14 tháng 02 năm 1976 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 76/QĐ-BXD-TCCB thành lập Trường Trung học Xây dựng số 6 với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ bậc trung học kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, để khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Nhà trường, ngày 21 tháng 5 năm 2001 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 3069/QĐ-BGD&ĐT thành lập Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Xây dựng số 6.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra nhiều định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong đó có định hướng “xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong từng vùng và trên cả nước”. Trên tinh thần đó, ngày 15 tháng 10 năm 2007 Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 đã ra Quyết định số 412/QĐ-CĐXD3 về việc thành lập bộ môn Cầu đường thuộc khoa Xây dựng trên cơ sở tách từ bộ môn Kết cấu, nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng ngành Cầu đường, đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Lúc này, bộ môn Cầu đường chỉ với 05 giảng viên: thầy Phạm Trung Nguyên (được phân công phụ trách bộ môn), thầy Lê Đức Quân, thầy Nguyễn Kim Cường, cô Lương Thị Bích, thầy Trần Văn Nhường và sau đó được bổ sung thêm thầy Đoàn Hữu Sâm, thầy Trần Văn Phúc. Trong năm đầu tiên mới thành lập, bộ môn Cầu đường được Nhà trường giao chỉ tiêu đào tạo 01 lớp (lớp C07CĐ) với 37 sinh viên.
Ngày 10 tháng 3 năm 2008 Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 đã ra Quyết định số 95/QĐ-CĐXD3 về việc thành lập khoa Kỹ thuật Hạ tầng đô thị (trên cơ sở chuyển 02 bộ môn: Kỹ thuật Hạ tầng đô thị và Xây dựng Cầu đường thuộc khoa Xây dựng) và thành lập 03 bộ môn thuộc khoa Kỹ thuật Hạ tầng đô thị: bộ môn Cấp thoát nước, bộ môn Kỹ thuật Hạ tầng, bộ môn Xây dựng Cầu đường. Đến cuối năm 2008, bộ môn Xây dựng Cầu đường chỉ còn lại 05 giảng viên (thầy Trần Văn Nhường, thầy Trần Văn Phúc đã chuyển công tác) và năm 2009 được bổ sung thêm 02 thầy (thầy Vũ Quang Thuận, thầy Đinh Văn Vinh). Năm 2010, bộ môn Xây dựng Cầu đường được giao nhiệm vụ biên soạn Đề cương chi tiết cho các học phần theo học chế tín chỉ trình độ cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông và được áp dụng đào tạo từ năm học 2010-2011 cho 2 lớp (lớp C10CĐ1, lớp C10CĐ2).
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 10 năm nổ lực, quyết liệt thực hiện Đề án thành lập trường đại học, Nhà trường đã hội đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của một trường đại học chuyên ngành. Ngày 28 tháng 7 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1279/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Xây dựng Miền Trung trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 thuộc Bộ Xây dựng. Bộ môn Xây dựng Cầu đường được tổ chức sắp xếp lại, trưởng bộ môn là thầy Lê Đức Quân, phó trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Kim Cường.
Sau 5 năm hình thành và phát triển, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 04 tháng 7 năm 2012 Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung đã ra Quyết định số 426/QĐ-ĐHXDMT thành lập khoa Cầu đường trên cơ sở nâng cấp bộ môn Xây dựng Cầu đường thuộc khoa Kỹ thuật Hạ tầng đô thị. Số lượng cán bộ giảng viên trong khoa là 07 người, phụ trách khoa là thầy Đinh Văn Vinh (đến tháng 9 năm 2013 có quyết định trưởng khoa), khoa có 02 bộ môn trực thuộc: bộ môn Cầu và Công trình ngầm (trưởng bộ môn là thầy Đinh Văn Vinh, phó trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Kim Cường), bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị (trưởng bộ môn là thầy Lê Đức Quân). Sau khi thành lập, khoa Cầu đường được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề cương chi tiết cho các học phần trình độ đại học chính quy ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Năm học 2013-2014, ngoài chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông, Nhà trường còn giao thêm chỉ tiêu đào tạo 01 lớp (lớp D13CĐ) với 62 sinh viên trình độ đại học chính quy ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Đến năm 2015, khoa Cầu đường tiếp tục được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề cương chi tiết cho các học phần trình độ đại học liên thông chính quy ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
 
Giảng viên và sinh viên khoa Cầu đường trong ngày bảo vệ đò án tốt nghiệp
Từ khi được thành lập, khoa Cầu đường luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy trình độ đại học, hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức của khoa. Đến tháng 4 năm 2015, khoa Cầu đường được bổ sung thêm: 01 phó trưởng khoa (thầy Phạm Trung Nguyên), bộ môn Địa kỹ thuật (được điều chuyển từ khoa Xây dựng qua, trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Thanh Danh) và nhiều giảng viên mới. Tính đến tháng 10 năm 2015, khoa Cầu đường có 03 bộ môn trực thuộc, với số lượng cán bộ giảng viên là 20 người (01 trưởng khoa kiêm trưởng bộ môn, 01 phó trưởng khoa, 02 trưởng bộ môn, 01 thư ký khoa, 15 giảng viên), trong đó có 01 tiến sĩ, 13 thạc sĩ (có 03 nghiên cứu sinh), 05 kỹ sư (có 04 đang học cao học) và 01 cử nhân; khoa có 01 chi bộ Đảng, 01 công đoàn bộ phận và 01 chi đoàn giáo viên; khoa đã đào tạo tốt nghiệp ra trường khoảng trên 520 cử nhân cao đẳng ngành cầu đường (với 5 khóa đào tạo) và đang quản lý, đào tạo khoảng 450 sinh viên (trên 250 sinh viên trình độ đại học chính quy, khoảng 100 sinh viên trình độ đại học liên thông chính quy, khoảng 100 sinh viên trình độ cao đẳng).
Trong suốt quá trình hoạt động, Khoa luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa đều yêu nghề, nhiệt tình trong công tác, luôn đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, luôn cố gắng tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc, phần lớn giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, khả năng nghiên cứu khoa học cao và năng lực công tác tốt, tuổi đời của giảng viên trong Khoa đều còn trẻ (hiện nay từ 25 đến 39 tuổi) nên luôn tích cực phấn đấu, năng động và sáng tạo trong công việc. Nhờ vậy, Khoa đã đạt được nhiều kết quả trên nhiều mặt như: phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, hoạt động phong trào,… được Nhà trường ghi nhận.
Giao lưu, định hướng nghề nghiệp giữa khoa Cầu đường,
các Đơn vị sản xuất với sinh viên
 
Bên cạnh những thuận lợi, Khoa cũng gặp không ít khó khăn, đó là số lượng giảng viên trong khoa không nhiều nhưng lại quản lý nhiều học phần và nhiều nhiệm vụ trong năm, nên mỗi giảng viên phải đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc. Khoa có nhiều giảng viên trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm thực tế về ngành nghề còn hạn chế. Vì thế, mỗi giảng viên trong Khoa luôn ý thức phải tự rèn luyện, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu công việc. Một bộ phận nhỏ sinh viên chưa nhận thức được động cơ học tập, không cố gắng học tập, gây ảnh hưởng phần nào đến thành tích thi đua của sinh viên và tâm lý giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu và bằng sức trẻ của mình, tập thể cán bộ, giảng viên khoa Cầu đường đã quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
 
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một khoa chuyên ngành, Chi bộ khoa Cầu đường đã chỉ đạo sâu sát trên tất cả các hoạt động, giúp cho các công việc của Khoa được triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Hàng năm, Khoa đã phối hợp với phòng Quản lý Đào tạo và các đơn vị trong Nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch, quản lý và thực hiện đào tạo đối với ngành Xây dựng Cầu đường. Mỗi năm Khoa đã hoàn thành nhiều giờ giảng với chất lượng tốt, đã thực hiện đổi mới nội dung, chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức thi, hình thức kiểm tra và đánh giá sinh viên đạt hiệu quả. Đặc biệt đã chuyển đổi hình thức tốt nghiệp cho sinh viên trình độ cao đẳng từ hình thức thi sang hình thức làm đồ án (bắt đầu từ khóa C11CĐ). Để đảm bảo chất lượng đồ án tốt nghiệp, Khoa đã tích cực chuẩn bị tốt tất cả các khâu: từ biên soạn đề cương, chuẩn bị số liệu, nội dung, đến khâu tổ chức cho sinh viên bảo vệ và đánh giá kết quả. Nhờ có sự chuẩn bị chu đào, sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên nên điểm tốt nghiệp đạt loại khá trở lên hàng năm chiếm tỷ lệ trên 75%.
Thăm quan công trình Hầm Đèo cả
 
Về nghiên cứu khoa học, mỗi năm Khoa có ít nhất 02 đề tài nghiên cứu của giảng viên được Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường đánh giá có chất lượng, hướng dẫn sinh viên hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, viết bài đăng trên các Tạp chí khoa học, Thông báo khoa học,…. Ngoài ra, giảng viên trong Khoa còn tích cực tham gia lao động sản xuất thực tế bên ngoài như: đánh giá chất lượng, sức chịu tải của cọc các công trình thuộc dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, kiểm định cầu Xuân Bình thuộc thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên,…
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ, giảng viên khoa Cầu đường luôn tích cực, năng động và sáng tạo trong các hoạt động ngoại khóa. Hàng năm, Khoa đều tổ chức các đợt tham quan thực tế công trình đang thi công cho sinh viên, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Kỹ thuật xây dựng cầu đường với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tổ chức nhiều buổi giao lưu, định hướng nghề nghiệp giữa các đơn vị sản xuất ngoài trường với sinh viên, tổ chức giải bóng đá truyền thống cho sinh viên cầu đường,…
 
Giảng viên khoa Cầu đường hướng dẫn sinh viên
tham quan thực tế công trình đang thi công
 
Với sự đoàn kết, nhất trí cùng tinh thần nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên, trong 03 năm qua (từ năm 2012) khoa Cầu đường đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Tập thể Khoa hai năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Xây dựng tặng bằng khen. Nhiều cán bộ, giảng viên trong khoa đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có giảng viên được Bộ Xây dựng tặng bằng khen.
Để tiếp tục phát triển, khẳng định là một trong những khoa chủ lực của Nhà trường, khoa Cầu đường đề ra định hướng phát triển trong thời gian tới như sau:
- Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực tốt để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 3-4 tiến sĩ, 4-5 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình lưu hành nội bộ, nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tiên tiến và hội nhập, tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tham gia các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, chuyển giao công nghệ.
- Mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và sinh viên.
- Sử dụng có hiệu quả các máy móc, thiết bị ở các phòng thí nghiệm phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Giải bóng đá truyền thống do Khoa Cầu đường tổ chức hàng năm
 
Bằng sức trẻ, cùng với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, khoa Cầu đường quyết tâm khắc phục những khó khăn trước mắt, xây dựng khoa thực sự vững mạnh về mọi mặt, xứng tầm là một trong những khoa chủ lực của Nhà trường, là một điểm đến đáng tin cậy cho con em các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, góp phần vào sự phát triển chung của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung./.
 
 
In bài In bài này Gửi phản hồi Gửi phản hồi
Các tin khác:
Số lượng đang online: 5
Số lượt truy cập: 0
Copyright by Khoa Xây dựng - Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
Điện thoại: (057).3 821 905. Email:vodaihong@muce.edu.vn